Việt Nam ngày càng phù hợp để đầu tư hơn nhiều người nghĩ và là thị trường cận biên ưa thích nhất của HSBC.
Các tín hiệu tích cực bao gồm sự gia tăng về dòng vốn FDI gia tăng, chi đầu tư hạ tầng từ chính phủ, sức mua và lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng.
Khả năng sinh lời, định giá hấp dẫn, bảng cân đối tốt và các cải cách thị trường phản ánh triển vọng về một đợt tăng kéo dài nhiều năm cho thị trường Việt Nam.
HSBC không đồng tình với quan điểm chung cho rằng thị trường cổ phiếu Việt Nam quá nhỏ. Số cổ phiếu có vốn hóa thị trường hơn 5 tỷ USD hiện là 11, tăng đáng kể so với chỉ có 2 mã hồi năm 2015. Giá trị giao dịch bình quân ngày năm 2020 là 430 triệu USD, cao kỷ lục, và gần đây còn tiến sát mốc 1 tỷ USD.
So sánh với khu vực, Philippines có 13 cổ phiếu vốn hóa thị trường trên 5 tỷ USD, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày 228 triệu USD. Tại Thái Lan và Indonesia, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày là 3 tỷ USD và 1,5 triệu USD.
Trong ngắn hạn, Việt Nam hiện là một thị trường đáng để đầu tư, HSBC đánh giá.
Nhà đầu tư nước ngoài từng giữ tâm lý thận trọng với thị trường Việt Nam. Sau giai đoạn bùng nổ kinh tế và suy thoái năm 2007 – 2009, VN-Index kẹt trong vùng 400 – 600 điểm cho đến năm 2015. Hàng loạt cải cách được chính phủ triển khai trong năm 2011 – 2013 để giải quyết vấn đề cấu trúc trong doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng bắt đầu mang lại kết quả từ năm 2015, tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, ký ức về giai đoạn quá nóng năm 2008 – 2009 vẫn hiện hữu.
Nhà đầu tư còn hoài nghi, nhiều người cho rằng sự tăng trưởng này là không bền vững nhưng thực tế cho thấy lo ngại của họ “quá sớm”.
Một lý do thường được khối ngoại đưa ra để giải thích tại sao khó mua cổ phiếu tại Việt Nam là giới hạn sở hữu nước ngoài. HSBC xem xét nhanh chỉ số VN30 gồm 30 công ty vốn hóa lớn và nhận định nhà đầu tư nước ngoài vẫn có đủ mã có thể đầu tư để lựa chọn. Trong số này, chỉ có 6 cổ phiếu đã kín room ngoại, 9 mã có vốn hóa thị trường trên 5 tỷ USD, 15 mã vốn hóa thị trường 1 – 5 tỷ USD, 10 mã có giá trị giao dịch hơn 10 triệu USD/ngày.
HSBC đánh giá đầu tư vào các công ty dẫn dắt thị trường cho phép nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam và sinh lời. Xét theo tỷ trọng đều, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng 237% kể từ năm 2015, vượt trội hơn VN-Index 136%.
Thanh khoản vẫn là vấn đề với các công ty nhỏ hơn trong khi nhóm công ty lớn còn có những yêu cầu về quản trị và công bố thông tin tốt hơn. Dù những cổ phiếu kín room ngoại tốn thêm phí chênh lệch khi giao dịch, chúng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận tốt và định giá rẻ hơn so với các công ty tương tự ở châu Á.
Do đó, điều chỉnh theo giá trị, phần phí chênh lệch không có vẻ là quá mức, theo HSBC.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua các sửa đổi về luật liên quan chứng khoán và đầu tư, hiệu lực từ ngày 1/1, giảm hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian này, chứng quyền có bảo đảm (CW) và chỉ số Diamond đang giúp nhà đầu tư ngoại thêm khả năng tiếp cận những công ty đã kín room.
“Chúng tôi tin những cải cách giúp Việt Nam, thị trường cận biên (FM) lớn nhất, phù hợp để nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM)”, theo HSBC.
Để được nâng hạng lên EM, một thị trường cần đáp ứng nhiều yêu cầu về định tính và định lượng. Việt Nam đã đạt tiêu chí định lượng như số cổ phiếu vốn hóa lớn, khối lượng giao dịch, quy mô thị trường. Lý do khiến Việt Nam vẫn nằm trong nhóm FM là tiêu chí định tính như giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu công bố thông tin bằng tiếng Anh, quy định đăng ký tài khoản…. Những sửa đổi về quy định pháp lý sẽ giúp Việt Nam dần giải quyết các vấn đề trên.
HSBC còn lưu ý thị trường chứng khoán Việt Nam vượt trội hơn mọi các chỉ số khu vực lớn kể từ năm 2015.
Diễn biến chỉ số VN-Index so với các chỉ số FTSE các thị trường mới nổi (FTSE EM), FTSE châu Á không gồm Nhật Bản (FTSE AxJ) và FTSE các thị trường khu vực Đông Nam Á (FTSE ASEAN).
Với tăng trưởng mạnh, lạm phát thấp, nội tệ ổn định, định giá tương đối hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận tốt dựa trên bảng cân đối mạnh mẽ của doanh nghiệp, vốn FDI tăng, lĩnh vực ngân hàng tốt… dễ hiểu tại sao báo cáo nhận định thị trường Việt Nam chuẩn bị có đợt tăng nhiều năm, HSBC cho biết.
Việt Nam vẫn là một trong những câu chuyện đầu tư tốt nhất khu vực. Việt Nam không còn là quốc gia gia công trong chuỗi cung ứng thành công nhờ vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam đang tự chuẩn bị động lực tăng trưởng kinh tế riêng, khiến nước này ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn. Là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, về lý thuyết, Việt Nam lẽ ra phải chịu rủi ro ngoại sinh như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hay đại dịch Covid-19 nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Giai đoạn 2014 – 2015, Việt Nam được mô tả là một trong những bên hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP, giới đầu tư cho rằng đây là thay đổi bất lợi cho Việt Nam.
“Chúng tôi không đồng ý”, HSBC cho biết. Việt Nam vẫn còn nhiều thỏa thuận thương mại khác cho phép nước này tiếp cận tốt thị trường quốc tế. Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh cao, hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị.
Việt Nam vượt qua giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung năm 2017- 2018 nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố như đội ngũ lao động trẻ, có kỹ năng, chính sách thuế ưu đãi, lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng tương đối tốt và chính trị ổn định.
Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 với rất ít tổn thương, chủ yếu nhờ chính phủ hành động từ sớm để kiếm soát virus corona, sớm đi làm trở lại, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào, sản xuất tăng trưởng và xuất khẩu bùng nổ. Tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,9%, trong nhóm tốt nhất thế giới.
Dù còn trở ngại từ Covid-19, các kinh tế gia tại HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Họ ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay là 7%, áp lực lạm phát vừa phải, trung bình 3% – thấp hơn so với trần lạm phát 4% của ngân hàng nhà nước.
VND tiếp tục ổn định. Chiến lược gia ngoại hối Paul Mackel và Madan Reddy của HSBC dự báo tỷ giá USD/VND quanh 23.100 đồng.
VN-Index phục hồi, hiện tăng khoảng 7,5% so với đầu năm, vượt trội hơn các EM (tăng 6%) và FM toàn cầu (tăng 7%).
Về giá trị, định giá thị trường tương đối hợp lý với PE điều chỉnh 12 tháng ở 17,2, cao hơn mức 16 của trung bình 5 năm. PB điều chỉnh 12 tháng ở 2,4, cao hơn 8% so với trung bình 5 năm.